Home/Góc phụ huynh, Uncategorized/CHUẨN BỊ TÂM THẾ CHO TRẺ VÀO LỚP 1

Góc phụ huynh

Trường mẫu giáo Ghềnh Ráng

CHUẨN BỊ TÂM THẾ CHO TRẺ VÀO LỚP 1

mnghenhrang 07/03/2024 Lượt xem: 9


CHUẨN BỊ TÂM THẾ CHO TRẺ VÀO LỚP 1

Bước sang tuổi thứ 6, trẻ phát triển bình thường đều có quyền học tại các trường tiểu học. Đối với trẻ, việc đến trường tiểu học là một bước ngoặc lớn trong cuộc sống của trẻ, trẻ sẽ được chuyển qua các hoạt động mới, môi trường học mới, lối sống mới, những mối quan hệ mới.

Có nhiều quan điểm chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1:

Đến tuổi dắt trẻ đến đăng kí vào học lớp 1.

Không cần phải cho trẻ tham gia vào các lớp mầm non.

Không cần quan tâm đến sức khỏe và nhận thức của trẻ có theo học lớp 1 được hay không?

Nhiều gia đình nóng vội cho con theo học giáo viên lớp 1 những điều mà khi bước vào lớp 1 trẻ mới phải học như tập đọc, tập viết…

Xuất phát từ những quan điểm trên, giáo viên dạy trong trường mầm non, đặc biệt là lớp 5 tuổi và các bậc phụ huynh cần xác định chuẩn về thể lực và tâm lý của trẻ trước khi vào học lớp 1.

  1. Chuẩn bị về mặt thể lực:

Không đơn thuần là sự phát triển chiều cao, cân nặng mà là sự chuẩn bị về chất năng lực là việc bền bỉ, dẻo dai, chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhạy cảm của các giác quan… Để có được những điều đó cần giúp trẻ có một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập một  cách khoa học và hợp lý.

  1. Chuẩn bị về mặt phát triển trí tuệ

Thông qua những hoạt động học tập, vui chơi, hoạt động lao động … đóng một vai trò rất quan trọng  đối với việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học của trẻ. Vì vậy trẻ cần có sự rèn luyện về thao tác trí tuệ, có sự hiểu biết về bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng về thời gian, không gian, có năng lực thể hiện hoạt động trí óc như biết so sánh, phán đoán, phân tích, tổng hợp.

  1. Chuẩn bị về Tình cảm- Xã hội:

Sự phát triển các mặt tình cảm quan hệ xã hội là tiền đề quan trọng cho việc học và phát triển nhân cách cho trẻ

Giáo viên cần giáo dục cho trẻ ý thức về bản thân như đặt các câu hỏi để kích thích trẻ thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua các hoạt động. Khuyến khích trẻ có thói quen tự phục vụ, thái độ cư xử phù hợp với bản thân, bạn bè. Giúp trẻ có biểu tượng chính xác về trường tiểu học, về các mối quan hệ giữa bạn bè, thầy cô giáo. Từ đó kích thích lòng mong mỏi, háo hức được lên lớp 1 học tập của trẻ.

  1. Chuẩn bị về ngôn ngữ:

Đối với trẻ em 5 tuổi để giúp ích cho việc học tốt môn Tiếng Việt ở lớp một giáo viên cần tổ chức các hoạt động nghe nói như: cho trẻ phát âm các chữ cái, nghe và hiểu nghĩa của từ, trẻ biết thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt phù hợp với yêu cầu giao tiếp. Cho trẻ nhận dạng, phát âm các chữ cái, tô chữ cái, xem và nghe đọc các loại sách, biết phân biệt phần mở đầu, kết thúc của sách. Cho trẻ làm quen với cách đọc tiếng Việt: Hướng đọc, viết từ trái sang phải, từ dòng trên xuống dòng dưới, hướng viết của các nét chữ, trẻ biết “ kể”, “ đọc truyện” qua các tranh vẽ. Tất cả những nội dung kiến thức nói, viết đều phải thông qua tiếng mẹ đẻ vì vậy việc chuẩn bị cho trẻ sử dụng thành thục, phát âm chuẩn tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày là việc quan trọng nhất để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

Muốn đạt được điều đó, ở trường, giáo viên tạo được môi trường trong lớp phong phú để trẻ được tích cực hoạt động, quen với chữ viết một cách tự nhiên. Bên cạnh đó ở nhà phụ huynh cũng cần tập trẻ giao tiếp mạnh dạn với mọi người xung quanh, nói, phát âm rõ ràng, chuẩn xác.

  1. Chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập:

Chuẩn bị cho trẻ vốn tri thức, biểu tượng về kỹ năng thực hiện hoạt động trí óc nhất định.

Hình thành cho trẻ kỹ năng điều khiển hành vi của mình, biết điều khiển hành động cử chỉ, việc làm phù hợp với yêu cầu chung của xã hội, của gia đình, của nhà trường, tập thể lớp.

Hình thành những động cơ kích thích trẻ học tập, làm cho trẻ muốn học, thích đi học.

Hướng dẫn trẻ kỹ năng vận động khéo léo của đôi bàn tay ( tư thế ngồi, cách cầm bút khi viết đúng chiều từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, bằng các cử động của cổ tay ).

Giúp trẻ có thói quen tập trung, chú ý trong một thời gian nhất định ( ở MG 1 hoạt động học bằng cách chơi mà học, trẻ cần tập trung khoảng 30’, nhưng khi vào tiểu học 1 tiết học của trẻ theo kiểu tư duy tập trung chú ý, kéo dài 45’).

* Như vậy:

Chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 có vai trò vô cùng quan trọng. Để đáp ứng được những nhu cầu của hoạt động học tập khi lên tiểu học, mỗi giáo viên cũng như phụ huynh phải luôn chú trọng trang bị cho trẻ về mọi mặt, từ thể lực, nhận thức đến các kỹ năng sống cơ bản theo bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi…góp phần tạo cho trẻ một tiền đề tốt, để giúp trẻ tự tin hơn khi bước vào lớp 1.